Hiện nay có những loại cá cảnh nào đang được người chơi ưa chuộng. Tìm kiếm những kiến thức chơi cá cảnh ở đâu? Hãy cùng Thủy Sinh 4u tìm hiểu thêm về kỹ thuật nuôi các loài cá cảnh thông dụng nhất nhé.

Kiến thức nuôi cá cảnh

Nuôi cá cảnh là một thú chơi giải trí lành mạnh, tốn kém và tốn thời gian (tùy mức độ). Miễn là chỉ cần bạn thích nuôi cá thì người bán hàng sẽ vét dc tiền từ bạn. Bạn không biết nuôi thì họ bán được nhiều lượt cá, bạn biết kĩ thuật thì họ bán được nhiều đồ chơi.
Việc nuôi cá không phải mục đích để chúng ta hạnh phúc. Mà là chúng ta làm sao để những con cá của chúng ta hạnh phúc. Niềm vui không phải ở việc nuôi 1 con betta trong một cái chai nước 1.5 lít, thỉnh thoảng thấy đã mắt khi nó căng đuôi khi thấy cá khác. Hãy để cho chú betta của bạn được bơi lội trong cái hồ 20 lít nước với đầy cỏ cây, những người bạn ốc, tép. Bạn sẽ thấy chú cá của bạn nó yêu thích bơi lội và vui vẻ như thế nào. Khi cá bạn hạnh phúc, bạn sẽ tự thấy vui vẻ.
Cảnh báo: độ gây nghiện cao, dễ đua đòi với những kênh youtube hoặc những người chơi khác. Mức độ tốn kém gia tăng đáng kể nếu bạn không chống cự được cơn nghiện. Có thể gây mất cân bằng về mối quan hệ gia đình nên vợ/chồng bạn không cùng sở thích và bạn cưng cá hơn con của bạn.

Cá Betta (cá chọi)

Cá betta có tuổi thọ trung bình từ 2 đến 5 năm. Với cá vàng thì tuổi thọ có thể lên tới 10 năm. Thực tế những con cá ngoài cửa hàng thường khoảng 1.5 – 4 tháng tuổi. Nếu bạn thấy chỉ về vài tháng là nó chết, thì đó là tại lỗi của bạn. Chứ không phải con cá tới tuổi thì chết. 80% cá vàng trên thế giới không thể sống đến tháng thứ 6 bởi vì không được chăm sóc đúng cách. Bởi vì nhiều người chơi tin vào những bức ảnh về con cá vàng trong cái chậu thủy tinh bé xíu. Và cá betta cũng là những chú cá thuộc top những loài cá đẹp nhưng bị đối xử tệ bạc nhiều nhất trên thế giới, với cách tương tự. Cá dễ dàng bị stress, nấm bệnh, thối vây vì nước bẩn. Hãy để cá “sống hạnh phúc” (be happy) thay vì “tồn tại” (survive).
Đừng bao giờ khi cá chết thì bạn đổ lỗi tại không hợp mạng thủy, khắc mạng này nọ. Đó là lỗi của bạn khi không nghiên cứu cách chăm sóc cá đúng cách.
Một số hiểu lầm sai, phổ biến về cách nuôi cá:
  • Nuôi cá trong bể mini, lọ thủy tinh > chết cá vì stress, nhiễm độc nước.
  • Cá ở cửa hàng sống khỏe vì có bơm oxy, cá ở nhà dễ chết vì không có bơm oxy > Ở cửa hàng người ta thực tế thường thay nước hằng ngày hoặc có hệ thống lọc. Việc bơm oxy có ý nghĩa là giúp trữ cá với mật độ cao.
  • Thay nước 100% cho sạch > Cá shock nước và chết
  • Thay nước máy chưa qua xử lý > Cá chết vì nhiễm độc clo
  • Nuôi betta chung với nhau > Đấm nhau tới chết
Cá betta - cá chọi
Hình ảnh cá betta – cá chọi

Ngoài ra các bạn có thể xem thêm bài viết chia sẻ cách làm bể cá cảnh Biotope nuôi cá betta cực đẹp.

Bộ dụng cụ cần thiết khi chơi cá cảnh

Bể (Hồ cá): loại gì cũng được, miễn dung tích từ 8 lít trở lên. Càng lớn sẽ càng tốt, tùy thuộc vào tài chính, không gian cũng như khả năng chăm sóc của bạn. Loại bể tối thiểu, khá tối ưu diện tích là Cubic 20 (8 lít), Cubic 25 (15 lít), Cubic 30 (27 lít), nhưng đặc điểm chung này hơi khó phối bố cục nếu như thiếu kinh nghiệm.

Lọc: mục đích của lọc ngoài lọc các cặn lơ lửng thì vai trò chính đó là nơi ở của vi sinh. Vi sinh phát triển trong các vật liệu lọc, đi theo dòng nước sẽ giúp phân hủy các chất độc, thức ăn thừa và phân cá thành những chất vô hại. Một số hãng lọc tốt và giá bình dân được tin dùng như Sobo, Atman, Sunsun. Một số vật liệu lọc vi sinh cơ bản, có hiệu quả và giá thành từ thấp đến cao: sứ lọc = nham thạch < Neo < Matrix. Trong trường hợp bạn không thể lắp đặt được lọc, thì nên để một ít vật liệu lọc này vào trong bể. Tuy nó thụ động và ít hiệu quả hơn, nhưng ít còn hơn không.

Dụng cụ thủy sinh nuôi cá cảnh
Các dụng cụ cần để nuôi cá cảnh

Vi sinh: ExtraBio / JLAB / EM-Pro là những loại vi sinh phổ biến được khuyến khích. Khi khởi tạo hồ thì hồ sẵn chưa có sẵn vi sinh, việc bổ sung vi sinh nhân tạo sẽ giúp hồ mau đạt trạng thái ổn định hơn.

Hóa chất khử clo: Seachem Prime là loại được tin dùng và có chất lượng cao. Dung tích 100ml tầm 145k. Sử dụng 5ml cho 200 lít nước. Nên nếu những bể nhỏ 15 lít thì chỉ cần 2-3 giọt thôi là đã đủ rồi. Vì nước máy sẽ có hàm lượng clo và 1 số kim loại khác, sẽ gây độc cho cá. Đây là optional nếu bạn không muốn tốn kém. Bạn có thể phơi nước máy 1-2 ngày nếu đủ kiên nhẫn.

Đèn thủy sinh (optional): ánh sáng mặt trời chứa nhiều tia cực tím, và chúng ta không thể quản lý hoàn toàn được cường độ chiếu sáng nên thường gây hiện tượng rêu hại, tảo xanh. Việc sử dụng đèn thủy sinh với cường độ chiếu sáng 6-8 tiếng mỗi ngày sẽ giúp chúng ta ngắm cá sướng hơn vào ban đêm, và có thể giúp hồ thủy sinh có cây cối phát triển ổn định.

Các phụ kiện thủy sinh khác: bộ hút cặn, phân nền, lũa, đá, cây thủy sinh, ổ cắm hẹn giờ, máy sưởi, nhiệt kế, CO2,… Tùy mức độ tăng độ nghiện của bạn lên tới đâu mà sẽ tốn lúa thêm. Những thứ này là những thứ siêu đốt tiền.

Các bước chuẩn bị

Bước 1: Tìm hiểu trên google về loài cá bạn muốn nuôi, đặc tính, khả năng sống chung với các loài khác, nhiệt độ, kích thước phát triển tối đa, pH,… Ví dụ như hồ thủy sinh có trồng cây thì không thể nào nuôi các họ cá vàng hoặc cá chép được. Hoặc cá vàng thì không nên có nền sỏi. Cá betta là giống nhiệt đới, có khả năng chịu lạnh kém… Với cây thủy sinh thì là mức độ yêu cầu về độ sáng, dinh dưỡng, có/không đất nền và CO2.

Bước 2: Chọn loại bể phù hợp, tối thiểu 8 lít. Nguyên tắc: bể càng lớn thì càng tốt, bể đủ lớn để đáp ứng mật độ cá mà bạn muốn nuôi. Việc chọn bể nhỏ mini, lọ hoa,… là một sự tra tấn lớn với cá. Bể nhỏ ít nước sẽ gây stress cá vì thiếu không gian bơi lội, gây biến thiên nhiệt độ cao, không có điều kiện phát triển vi sinh, gây tăng nồng độ NO3, NH3,… cũng như các chất độc hại khác được sinh ra bởi phân cá, thức ăn thừa.

Những yếu tố đó sẽ giết chú cá tội nghiệp của bạn trong vòng dưới 1 tháng. Nếu bạn thích chơi bể mini thì chỉ nên nuôi mật độ 1-2 con cá nhỏ, nên bể cubic 20, 25, 30 vì nó tối ưu nhất về thể thích. Bể có kích thước được đề xuất:

  • Bể thủy sinh Cubic 30
  • Bể cá cảnh 40x30x30
  • Bể thủy sinh 60x40x40
Bể thủy sinh Cubic
Hình ảnh bể thủy sinh Cubic

Mua các đồ chơi khác tùy ý của bạn:

  • Phải có: Lọc, vật liệu lọc, 1 loại vi sinh, thức ăn khô phù hợp, bộ hút cặn.
  • Ưu tiên cao: Hóa chất khử clo Seachem, Đèn thủy sinh, Các loại phân nền, sỏi nền, cây, lũa tùy theo sở thích của bạn.
  • Ưu tiên thấp: ổ cắm hẹn giờ, máy sưởi, nhiệt kế.

Setup hồ cá cảnh

Tùy vào sở thích của bạn mà có nhiều phong cách setup hồ khác nhau, là hồ nuôi cá bình thường hay chơi lên hồ thủy sinh tới nóc. Hãy lựa chọn loại cách setup thủy sinh phù hợp với loại cá mà bạn muốn nuôi. Hoặc chọn loại cá phù hợp với cách setup của bạn. Tùy mưc độ ưu tiên của bạn thích cây hay thích cá mà có sự cân đối phù hợp.

Với mình, mình không thích Biotop truyền thống đá-lũa vì nó quá đơn giản, thiếu màu xanh cây cối để giúp sự thư giãn. Mình cũng không thích cách chơi mô phỏng phong cảnh bên đất liền bằng những loại cây thủy sinh. Nhiều người thích setup làng quê, con đường, cây đa, ngôi nhà và có cá bơi trên trời. Với mình điều đó thật buồn cười. Cái này không mang tính chất đả kích ai. Mình thích style biotop lai với cây cối rậm rạp, phối hợp cân bằng giữa đá, lũa hay là cây thủy sinh để mô phỏng một góc thiên đường dưới nước.

Bạn nên tham khảo 1 số trang setup thủy sinh đẹp như MD Fish Tanks, TheCineScaper để có những gợi ý setup có tính thẩm mỹ cao nếu như thích chơi chuyên nghiệp hơn.

Quy trình set bể thủy sinh:

Chọn vị trí phù hợp để đặt bể. Không nên đặt nơi có ánh sáng chiếu trực tiếp nếu bạn định dùng đèn thủy sinh. Nhớ đặt 1 tấm mút dưới bể để chịu lực (nếu bể không đi kèm sẵn)

  • Trải phân nền, sỏi nền, bố cục lũa, đá. Châm ít nước vào cho ẩm rồi trồng cây
  • Đổ nước cẩn thận vào hồ để không gây xáo trộn nền
  • Lắp đặt đèn, lọc nước và các đồ chơi khác nếu có
  • Châm khử clo, châm vi sinh và để hồ ổn định từ 3-7 ngày.

Video quy trình set một bể thủy sinh đơn giản chơi cá betta

Một số tips khi setup hồ:

Bạn không nên thả cá ngay, mà hãy đợi hồ ổn định ít nhất là 3 ngày. Tốt nhất là 1 tuần trở lên mới thả cá thì đảm bảo sẽ không có hiện tượng cá chết vì nước thiếu ổn định

Nếu có đất nền, bạn nên thay nước 30-50% cho những ngày đầu tiên chưa có cá vào. Và nên trồng toàn bộ cây ngay lúc setup, và nên thả những loại bèo mặt nước, hoặc rong vì những loại này có khả năng phát triển nhanh. Hồ mới setup sẽ thừa dưỡng chất vì đất nền sẽ ra nhiều, nếu không kiểm soát tốt sẽ gây rêu hại.

Với họ cá vàng, cá chép, bạn không nên chơi thủy sinh, không nên có sỏi, đất nền vì đây là loài có thói quen sục sạo và ị phân rất nhiều.

Khi đổ nước vào hồ thì nên để khăn giấy hoặc bịch nilon gì đó và đổ nước lên. Để nước chảy đều ra, không gây ra dòng chảy mạnh gây xáo trộn đất nền hoặc cây.

Nên thả vài viên thức ăn vào để tạo chất thải, châm vi sinh để khởi tạo. Trong thời gian khởi tạo hồ, nếu không có thức ăn thì vi sinh vào bao nhiêu cũng sẽ chết đói hết.

Thả cá

  • Chọn mua loại cá phù hợp với bể, mật độ phù hợp. Tính trước yếu tố gia tăng dân số sau này hoặc cá lớn lên. Cá vàng có thể lớn lên tới 20cm. Chọn cá khỏe, không có dấu hiệu bệnh tật.
  • 3 loại cá dễ cho người mới chơi: 7 màu (guppy), cá chọi / cá xiêm (betta), cá vàng (goldfish).
  • Không đổ trực tiếp cá vào hồ ngay. Hãy dùng kim, châm vài lỗ nhỏ trên bịch nilon sau đó để nguyên bịch nilon cá trong hồ. Để nước chảy vào từ từ vào trong bịch để cá thích nghi môi trường nước và nhiệt độ của bể cá.
  • Cắt bịch nilon và thả cá vào sau 30 phút.

Nếu hồ đã có sẵn cá, bạn nên cân nhắc việc cách li cá mới mua, khử trùng bằng nước muối trước. Để tránh trường hợp cá mới bị bệnh, nấm gây lây nhiễm cá cũ.

Cho cá ăn

  • Nên cho loại thức ăn khô có độ dinh dưỡng cao, kích thước phù hợp với miệng của cá. Thức ăn khô đôi khi ở dạng nén cao, bạn nên ngâm nó 2 phút cho nở ra rồi hẵng cho cá ăn. Việc này tránh trường hợp cá ăn ngay, vào bụng thì cám nở ra, gây đầy bụng khó tiêu.
  • Việc cho thức ăn khô hoài sẽ làm cá biếng ăn và thiếu 1 số chất dinh dưỡng. Mỗi tuần 1-2 lần nên cho cá ăn thức ăn tươi sống như bobo, trùng chỉ, trùng huyết, artemia, lăng quăng. Nếu điều kiện không cho phép thì cũng có loại trùng huyết đông lạnh dạng vỉ cũng khá tốt và tiện lợi.
  • Không nên cho cá ăn quá nhiều và tạo ra các thức ăn thừa. Thức ăn thừa sẽ gây bẩn nước.
  • Mỗi ngày cho cá ăn đều 1-2 lần tùy loại cá. Thực tế thì cá có khả năng chịu đói kém tốt. Nhưng tốt nhất đừng nên để nó nhịn đói quá 3 ngày.
Trùng huyết đông lạnh
Hình ảnh thức ăn trùng huyết đông lạnh cho cá cảnh Betta

Bảo trì vệ sinh

hình ảnh người đàn ông đang Vệ sinh bể cá cảnh
Vệ sinh bể cá để bể luôn sạch – đẹp
  • Nên thay 30% nước mỗi tuần một lần dù nước bạn không bị đục. Việc bổ sung nước mới sẽ có thêm nguồn khoáng chất cho cá, tép và cây thủy sinh. Nên bổ sung thêm một chút vi sinh sau đó.
  • Trong trường hợp cần thay nước trên 50%, hãy chia ra nhiều lần bổ sung nước. Ví dụ 30% rồi nửa tiếng sau thì thêm 20% nữa. Để cá bạn không bị shock nước.
  • Nên châm Seachem Prime vào nguồn nước trước khi thay và để đó tầm 10p-30p trước khi đổ vào hồ. Trường hợp châm nước máy rồi đổ Seachem Prime sau thì vẫn ổn cho cá, nhưng nếu 1 số loài cá hay tép nào nhạy cảm thì có thể ảnh hưởng nhẹ đến sức khỏe.
  • Nếu vi sinh của bể ổn định, thì phân cá chỉ biến thành những loại cặn vô hại. Khi ngứa mắt thì bạn có thể hút ra để vấn đề thẩm mỹ là chính.
  • Không nên vệ sinh lọc và thay nước cùng một thời điểm. Nếu hồ của của bạn có mật độ cá lớn, việc thay đồng thời nước và rửa lọc sẽ thổi bay một lượng lớn vi sinh. Và sẽ gây ảnh hưởng đến độ ổn định của bể. Cá sẽ dễ yếu vì nồng độ NH3, NO3 tăng cao vì thiếu vi sinh tạm thời.

Tổng kết

Nuôi cá cảnh và thú chơi cá cảnh là một thú chơi cần sự tỉ mỉ và cần mẫn. Nên hãy chuẩn bị cho mình một hành trang tốt nhất trước khi bước vào niềm đam mê này. Trên đây là những kiến thức cơ bản nhất giúp bạn có một bể thủy sinh thật đẹp mắt và có tuổi thọ cao. Hãy luôn theo dõi thủy sinh 4U để cập nhật những kiến thức hay nhất nhé.