Có rất nhiều người chia sẻ về việc sử dụng sữa chua để làm trong và khử độc hồ cá? Liệu điều này có thực sự đúng? Hôm nay, hãy cùng Thủy Sinh 4U tham khảo thêm về vấn đề này nhé.

Men vi sinh là gì?

Có phải là tất cả mọi sản phẩm, chế phẩm từ vi sinh vật được gọi là “men vi sinh” thì có khả năng “làm trong nước, khử độc hồ nuôi” không? Men vi sinh trong y tế khác gì với men vi sinh dùng cho hồ nuôi? Tất cả các vấn đề trên sẽ được giải đáp ngay trong bài viết này, và chắc chắn nó sẽ dài, ai muốn đọc thì hoan nghênh, còn nếu lười thì… chịu!

Gần đây có một hiện tượng xảy ra khá nhiều và đáng quan ngại trong giới chơi cá cảnh nói chung, một bộ phận các đồng ngư sử dụng sữa chua (yogurt) và men tiêu hóa dành cho người để “khử độc, làm trong hồ nước” chỉ vì… nó có chữ “men” trên bao bì. Nghe có vẻ phũ phàng nhưng những cách đấy nó không hoạt động đâu, vì những sản phẩm ấy không sinh ra để làm cái việc đó (bắt sữa chua làm trong hồ chẳng khác gì bắt con lợn biết bay).

Vi sinh vật và môi trường

Trước hết, chúng ta cần biết lý do vì sao nước trong và sạch. Trong một hệ sinh thái (trên cạn, nước ngọt/lợ/mặn) chỗ nào cũng có vi khuẩn, chúng có thể ở các dạng riêng lẻ hay tụ tập thành từng nhóm dính với nhau thông qua một lớp chất dính dính, cả cái đống đó được gọi là “màng sinh vật” (biofilm), chúng tồn tại từ các vùng tuyết lạnh cóng giò đến những vùng sa mạc nóng chảy mỡ. Chúng có thể tồn tại theo kiểu bám trên bề mặt đá, lá cây, bùn, các ống dẫn nước,… và ở trong hồ nuôi, chúng bám trên nền, kính, gỗ, đá, sỏi, và đương nhiên, vật liệu lọc.

Khi những sinh vật trong môi trường chết đi (động vật, thực vật, nấm,…), những phần chất hữu cơ phức tạp đó được phân hủy và tạo ra những chất đơn giản hơn như ammoniac (NH3), hydro sulfua (H2S), các hợp chất chứa phospho (P),… và những chất đấy được tuần hoàn trong hệ sinh thái nhờ các chu trình như chu trình nitro, chu trình phospho, chu trình cacbon,… ở đây, chúng ta chỉ quan tâm đến chu trình nitro và chu trình phospho, đặc biệt là phân tích kỹ chu trình nitro vì nó có tác động rất lớn đến hồ nuôi (làm cho động vật bị bệnh, chết, tảo nở hoa, giảm oxy hòa tan và vô số những thứ khác).

Chu trình nitro: Sinh vật chết tạo ra ammoniac (NH3) cực độc, tùy tác động của một số loại vi sinh vật, tảo, vi nấm (ví dụ như các vi sinh vật cố định đạm như một số loài thuộc chi Rhizobium, Agrobacterium (hiếu khí), Desulfovibrio, Geobacter (kỵ khí) hay một số loài Cyanobacteria, Rhodobacter (quang dưỡng)) mà có thể chuyển thành muối NH4+ -> NH4+ sẽ được nhóm vi sinh vật nitrit hóa (VD: một số loài Delftia, Thermomonas, Nitrosomonas, Nitrosococcus…) oxy hóa thành muối nitrit (NO2-), ít độc hơn nhưng vẫn có thể gây hại -> Một nhóm vi sinh khác (vi sinh vật nitrat hóa, VD: một số loài Nitrobacter, Nitrocytis) chịu trách nhiệm chuyển hóa các muối NO2- thành các muối NO3-, chỉ có thể gây hại ở liều cao -> Tuy các muối NO3- ít độc hơn, nhưng khi ở liều cao, chúng có thể gây ra rất nhiều vấn đề, đó là khi các vi sinh vật kỵ khí, chỉ sống ở những nơi không có oxy (O2) ra tay (vi sinh vật phản nitrat hóa, VD: một số loài Ochrobactrum, Paracoccus, Pseudomonas, Bacillus, Lactobacillus,…), chúng biến các muối NO3- thành khí N2 vô hại bay ra khỏi hồ.

Chu trình phospho thì phức tạp hơn nên sẽ không đề cập về các cấp chuyển hóa, chỉ cần biết rằng các muối phosphat (PO4 3-) cũng góp phần làm tảo nở hoa (hiện tượng phú dưỡng, tảo nhả độc gây chết các sinh vật khác). Có 2 loại vi sinh vật xử lý phospho trong môi trường, đó là vi khuẩn tích lũy phosphat hiếu khí (VD: một số loài Bacillus) và vi khuẩn tích lũy phosphat kỵ khí (chưa được định danh).

Tương tự các chất thải chứa nitro (N) và phospho (P) gây độc, những chất thải chứa lưu huỳnh (S), ví dụ như H2S cũng gây hại không nhỏ đến hồ nuôi vì nó là một chất làm hôi hồ nuôi (đó chính xác là hợp chất gây ra mùi hôi thối của phân, xác chết, trứng thối,…) nhưng rất may mắn là chúng ta có các nhóm vi sinh vật kỵ khí để phân giải H2S và NH3: Vi sinh vật quang tự dưỡng (vi khuẩn lưu huỳnh màu tía, thuộc hai họ Chromaticeae và Ectothiorhodospiraceae), vi sinh vật quang dị dưỡng (vi khuẩn lưu huỳnh không màu tía, thuộc lớp Grammproteobacteria), ngoài ra còn có vi khuẩn lưu huỳnh màu xanh lục và một số loài khác; tụi này hay được gọi chung với một cái tên rất thân thuộc: Vi sinh PSB!

2. Ammoniac (NH3), muối ammoni (NH4+), muối nitrat (NO3-) và pH của môi trường dưới tác động của các vi sinh vật:

Một trong những chất vô cơ đơn giản có ảnh hưởng nhất đến môi trường được tổng hợp từ chất thải và xác chết của sinh vật là ammoniac (NH3), một số vi sinh vật có thể chuyển hóa trực tiếp chất này thành các muối nitrit, nhưng cũng có một số loại chỉ có thể chuyển dạng muối của chất này là các muối ammonia (NH4+) thành muối nitrit. Quá trình chuyển từ NH3 thành NH4+ phụ thuộc vào pH môi trường cũng như các vi sinh vật. Nếu pH thấp dần, tức ion H+ tăng, NH3 sẽ bị chuyển thành ion NH4+, nếu pH cao dần, quá trình đó sẽ ít xảy ra hơn nên NH3 vẫn còn y như vừa mới yêu. Chu trình nitro cũng ảnh hưởng đến pH của nước, nếu như các vi sinh vật (ví dụ như các loài vi tảo thuộc chi Chaetoceros) hấp thụ NH4+ nhiều thì pH giảm vì chúng giải phóng các ion H+ ra môi trường, ngược lại, nếu như các vi sinh vật hấp thụ NO3- nhiều hơn thì pH tăng, vậy nên, việc kiểm soát NO3- trong hồ nuôi rất quan trọng.

Men vi sinh và sữa chua không khử độc và làm sạch hồ cá

Trước hết, có một sự thật rất phũ phàng rằng những bài thuốc làm trong nước, khử độc nước bằng sữa chua và men tiêu hóa, men vi sinh cho người không có cơ sở, mang đầy tính “học vẹt” và vớ vẩn! Những loài vi khuẩn, vi nấm được sử dụng trong sữa chua và men tiêu hóa (Danh sách sau đây là các loài phổ biến đã và đang được dùng làm men vi sinh, men tiêu hóa cho người: Bacillus subtilis, Bacillus clausii, Bacillus cereus, Bacillus coagulans, Bacillus licheniformis, Lactobacilus bulgaricus, Lactobacilus acidophilus, Bifidobacterium spp.).

Men vi sinh (dùng cho người) là những loài vi sinh vật được đưa vào hệ tiêu hóa của con người để làm ổn định hệ vi sinh của những người bị các bệnh rối loạn hệ vi sinh trong đường tiêu hóa; Men tiêu hóa là các loại vi sinh vật VÀ enzyme được đưa vào hệ tiêu hóa của người để hỗ trợ tiêu hóa.

Tuy các loài vi sinh vật trong chu trình nitro và trong các loại men tiêu hóa, men vi sinh thuộc cùng một số chi, nhưng KHÔNG CÓ NGHĨA là chúng hoạt động như nhau!

Tuy nhiên, nếu nói như men vi sinh cho người, men tiêu hóa vô dụng đối với hồ nuôi thì chắc chắc không phải. Những loài vi sinh vật được dùng cho người cũng chính là các loài được dùng trong nuôi trồng thủy sản, chúng có mặt ở hệ tiêu hóa và một số giá thể nhất định trong môi trường, tuy chúng không khử độc cho nước, không làm trong nước nhưng chúng chắc chắn có thể giúp tăng cường sức khỏe tiêu hóa, khả năng kháng một số loại vi sinh vật gây hại và tăng sức đề kháng ở vật nuôi. Lưu ý rằng không phải vì vậy mà chúng ta cứ đổ hết gói men này đến gói men khác vào hồ đâu nhé! Đổ men hay sữa chua vào hồ với liều lượng không thích hợp gây lãng phí tiền bạch rất nhiều, nhiều khi còn gây thối nước vì dư thừa chất và xác các vi sinh vật chết.

Hy vọng bài viết phũ phàng này giúp các đồng ngư hiểu thêm được về những thứ gọi là “men vi sinh” và ứng dụng chúng một cách phù hợp nhất. Chúng ta nên hiểu những thứ mà chúng ta đang làm, xác định rõ mục tiêu, biết cái cơ bản nhất để ứng dụng chứ đừng học như những con vẹt, có đọc mà không có hiểu, và đừng phung phí sữa chua vì nó rất ngon!

Nguồn cho các bác tham khảo:

  1. Nguyễn Thị Giang (2010), Nghiên cứu đặc điểm sinh học, khả năng sửa dụng nitơ của một số chủng vi khuẩn tạo biofilm phân lập tại Việt Nam, Luận văn Thạc sĩ khoa học, Trường Đại học Khoa học Tự nhiên, Đại học Quốc gia Hà Nội.
  2. Trần Quang Vinh (2019), Khảo sát ảnh hưởng của một số chế phẩm vi sinh vật đến chất lượng nước ao nuôi tôm, Luật văn Thạc sĩ Sinh học thực nghiệm, Học viện Khoa học và Công nghệ, Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam.
  3. Đinh Thúy Hằng (2009), Nghiên cứu một số nhóm vi khuẩn đóng vai trò chủ đạo trong chu trình Nitơ và Phospho nhằm mục đích ứng dụng để xử lý ô nhiễm môi trường, Báo cáo tổng hợp kết quả thực nghiệm, Viện Vi sinh vật và Công nghệ Sinh học, Đại học Quốc gia Hà Nội.
  4. Nguyễn Thị Huyền, Nguyễn Thị Thu Hường, Trịnh Thị Thùy Linh, Nhữ Thị Hà, Trịnh Thị Hảo, Nguyễn Thành Linh, Đặng Xuân Nghiêm (2014). Khảo sát thành phần vi sinh và một số đặc tính probiotic của các sản phẩm men tiêu hóa trên thị trường. Tạp chí Khoa học và Phát triển 2014, 12(1), 65-72.
  5. Võ Hồng Trung, Lê Thị Trung (2012). Ảnh hưỡng của nitrogen – ammonium lên sự sinh trưởng của vi tảo Chaetoceros subtilis var. abnormis Proshkina-Lavrenko được phân lập ở Cần Giờ, TP Hồ Chí Minh. Tạp chí KHOA HỌC ĐHSP TPHCM, 33, 132-140.
  6. Nguyễn Thị Quỳnh Trang (2011), Tuyển chọn các chủng vi sinh vật tạo chế phẩm nhằm xử lý nước thải nuôi trồng thủy sản, Luận văn Thạc sĩ ngành: Vi sinh vật học, Trường Đại học Khoa học Tự nhiên, Đại học Quốc gia Hà Nội.
  7. Nguyễn Văn Sỹ (2016), Phân lập một số chủng vi khuẩn quang hợp từ các ao nuôi tôm thẻ chân trắng (Litopenaeus vannamei, Boone, 1931) tại tỉnh Thừa Thiên Huế, Luận văn Thạc sĩ, Đại học Nông lâm, Đại học Huế.
  8. Norbert Weiss, Ulrich Schillinger, and Otto Kandler (1983). Lactobacillus lactis, Lactobacillus leichmannii and Lactobacillus bulgaricus, Subjective Synonyms of Lactobacillus delbrueckii, and Description of Lactobacillus delbrueckii subsp. lactis comb. nov. and Lactobacillus delbrueckii subsp. bulgaricus comb. nov. System. Appl. Microbiol. 4, 552-557.
  9. Dorothy M. Wheater (1955), The Characteristics of Lactobacillus acidophilus and Lactobacillus bulgaricus. J. gen. Microbiol, 12, 123-132.

Nguồn: Mình lấy trên Facebook bạn Đỗ Kỳ Minh Hiển